Theo SGGP Online thứ 4 ngày 19/11/2014, quy hoạch khu trung tâm hiện hữu mở rộng TPHCM, đô thị mới Thủ Thiêm và quận 1, quận 3, một phần quận 4, quận Bình Thạnh sẽ là trung tâm của TPHCM trong tương lai. Đứng bên bến Bạch Đằng, quận 1 phóng tầm mắt qua sông Sài Gòn là thấy đô thị mới Thủ Thiêm… Tuy có sự gần gũi về khoảng cách địa lý như vậy nhưng đối với nhiều cư dân TPHCM, khu đô thị này dường như vẫn rất xa vời cho dù thành phố đã có nhiều nỗ lực kêu gọi đầu tư vào vùng đất này…
Những con đường đầu tiên…
Đến đô thị mới Thủ Thiêm những ngày này… mọi người đã có thể thấy hình hài khá rõ nét của 4 tuyến đường huyết mạch quan trọng bậc nhất ở đây. Đơn vị được thành phố giao xây dựng 4 tuyến đường trên là Công ty cổ phần Địa ốc Đại Quang Minh đã hoàn thành công tác phát quang, san lấp đất và hiện đang xử lý nền đất để chuẩn bị thi công.
Theo ông Trang Bảo Sơn, Phó Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm, công đoạn khó khăn nhất trong việc đầu tư xây dựng 4 tuyến đường đã giải quyết xong, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2017.
Bốn tuyến đường huyết mạch trên có chiều dài khoảng 12km. Tổng vốn đầu tư gần 8.300 tỷ đồng. Vì Thủ Thiêm là vùng đất yếu nên đơn vị thi công đã sử dụng phương pháp khoan cọc đất gia cố xi măng và phương pháp bức thấm chân không để xử lý nền đất. Theo nhiều chuyên gia giao thông, phương pháp xử lý đất yếu này tuy chi phí cao hơn một số phương pháp xử lý khác nhưng thời gian thực hiện được rút ngắn đáng kể. So sánh với tính cấp bách của việc hình thành nên đô thị Thủ Thiêm thì việc chọn phương pháp gia cố nêu trên là một quyết định đúng đắn.
Thi công hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Bên cạnh 4 tuyến đường huyết mạch, toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở khu dân cư phía Bắc của đô thị mới Thủ Thiêm cũng đã có đơn vị thực hiện. Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) - đơn vị xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở khu dân cư này, cho biết, thủ tục đầu tư đang được triển khai thực hiện. TPHCM đang chờ ý kiến chấp thuận chủ trương của các bộ ngành trung ương.
“CII cam kết, 2 năm sau khi hợp đồng đầu tư xây dựng được ký kết, CII sẽ xây xong toàn bộ các hạng mục công trình hạ tầng (như hợp đồng) trong khu dân cư này. CII đã sẵn sàng cho công tác thi công” - bà Nguyễn Mai Bảo Trâm khẳng định.
Ngoài cầu Thủ Thiêm hiện hữu, TPHCM cũng đã đề nghị Chính phủ cho xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 kết nối đô thị mới Thủ Thiêm với khu vực đường Tôn Đức Thắng, quận 1 ngay trong năm 2015. Trước ý kiến của Bộ Quốc phòng, nên dời thời gian này đến năm 2017, ông Trang Bảo Sơn cho hay, thành phố cũng đã có phương án xử lý. Đó là, sẽ tập trung xây cầu Thủ Thiêm 2 ở phía quận 2 trước, dành thời gian này cho Bộ Quốc phòng giải quyết các vấn đề của mình.
Như vậy hạ tầng kỹ thuật đang “đi trước một bước” đúng như các bài học về phát triển đô thị. Riêng quảng trường trung tâm và công viên bờ sông, do nằm ngay “mặt tiền” của đô thị mới Thủ Thiêm tiếp giáp với khu trung tâm hiện hữu của thành phố, lại kết nối trực tiếp với 4 tuyến đường huyết mạch nên UBND TPHCM đã có văn bản xin Thường trực HĐND TPHCM cho triển khai xây dựng để hoàn thành đồng bộ với 4 tuyến đường này.
Việc hoàn thành đồng bộ 4 tuyến đường và công viên bờ sông, quảng trường trung tâm còn có ý nghĩa quan trọng: tạo ra diện mạo cho đô thị mới Thủ Thiêm, tạo ra sức hấp dẫn mạnh hơn cho Thủ Thiêm. Quảng trường trung tâm rộng hơn 20ha, công viên bờ sông rộng 10ha. Tổng mức đầu tư theo nghiên cứu đề xuất của một đơn vị tư vấn Pháp, gần 2.000 tỷ đồng.
Các dự án phát triển địa ốc, đặc biệt là địa ốc cao cấp - tất nhiên, vì khả năng sinh lợi cao nên luôn có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Có thể nói, hiện hầu hết các dự án này đã có doanh nghiệp xin được đầu tư.